Momo Rabbit

3 cách vỗ ợ hơi giúp bé sơ sinh dễ chịu, giảm nôn trớ

20 tháng 02 2021
Nguyen Hong Diep

Các bé trước 6 tháng tuổi thường dễ trớ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp nhất là do bố mẹ không vỗ ợ hơi cho bé hoặc vỗ ợ hơi chưa đúng cách. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu nguyên nhân đầy hơi, nôn trớ và 3 cách vỗ ợ hơi hiệu quả mẹ nhé. 

Tại sao bé lại đầy hơi sau khi ăn?

Ti sai cách là một trong các nguyên nhân gây đầy hơi khi ăn

Trẻ sơ sinh có dạ dày nhỏ xíu, chỉ bằng trái mận, rồi từ từ lớn dần. Khả năng chứa được sữa của dạ dày bé sơ sinh trong những tháng đầu tiên là rất ít, bởi vậy khi bé nuốt phải không khí, nhất là trong trong lúc ăn sẽ khiến bé bị đầy hơi. 

Các nguyên nhân thường thấy của đầy hơi ở trẻ sơ sinh gồm: Bé ăn quá nhanh nên nuốt cả khí và sữa vào dạ dày; bé há miệng trong lúc bú hoặc khóc nên nuốt khí; tư thế mẹ cho bé bú chưa đúng khiến bé bị nuốt nhiều khí khi bú; bình sữa có nhiều bọt khí. Bên cạnh đó, cấu trúc dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang nên cơ thắt của dạ dày và thực quản chưa hoàn chỉnh và còn yếu nên dễ bị hiện tượng trào ngược gây ọc sữa, nôn trớ khi bị đầy hơi.

Làm gì để giúp bé giảm đầy hơi?

Vỗ ợ là cách đơn giản giúp bé giảm đầy hơi sau khi ăn no

Nếu bé thường xuyên bị đầy hơi dẫn đến nôn trớ, giảm ăn, quấy khóc, trước hết mẹ hãy lưu ý để điều chỉnh những nguyên nhân gây đầy hơi kể trên. Thay đổi tư thế cho bé bú hoặc ti bình với góc nghiêng vừa phải, ngậm đúng khớp, miệng không hở để không khí tràn vào. Mẹ cũng nên đổi loại bình sữa có ít bọt khí, có cơ chế chống đầy hơi để bé không nuốt quá nhiều bọt khí. Loại núm ti của bình sữa cũng cần thay đổi phù hợp với sức ăn của bé, bởi nhiều bé háu ăn, ti rất nhanh khiến sinh ra nhiều bọt khí. Bên cạnh đó, các bác sĩ nhi khoa luôn khuyên mẹ vỗ ợ hơi cho bé ngay sau khi ăn hoặc giữa bữa nếu bé có dấu hiệu đầy hơi, bỏ cữ sữa để giúp bé đẩy không khí ra khỏi dạ dày, giúp bé không bị đầy hơi, dễ chịu, giảm nôn trớ. 

3 cách vỗ ợ hơi hiệu quả

Tư thế bế vác rất dễ và hiệu quả

Tư thế bế vác: Mẹ đặt đầu bé tựa trên vai mẹ, trước đó lót một lớp khăn mỏng phòng bé trớ. Điều chỉnh cho đầu cổ bé chắc chắn, vững vàng. Một tay mẹ đỡ bé, một tay khum lại vỗ hướng từ dưới lên vào vùng giữa lưng bé. 

Tư thế ngồi tiện lợi cho mẹ

Tư thế ngồi: Mẹ để bé ngồi trên đùi, người tựa vào người mẹ. Một tay mẹ đỡ ngực, đầu cho bé, tay còn lại cũng khum lại và vỗ như tư thế bế vác. 

Tư thế nằm giảm khả năng sặc sữa do trớ

Tư thế nằm sấp: Mẹ đặt bé nằm sấp trên hai chân, để đầu bé cao hơn bụng. Một tay đỡ nhẹ dưới phần ngực, đầu của bé. Tay còn lại vỗ nhẹ cho bé giống như trên. 

Lưu ý khi vỗ ợ hơi cho bé

Vỗ ợ đúng cách giúp bé ngủ ngon, giảm nôn trớ

Nhiều mẹ lo lắng sợ bé đau nên không dám vỗ lên lưng bé, tuy nhiên tiếng vỗ phải phát ra âm “bồm bộp” mới đủ để tống không khí trong dạ dày bé ra ngoài. Nhưng mẹ cũng đừng vỗ mạnh quá khiến bé sợ, hoảng hốt nhé. Mẹ khum lòng bàn tay, vỗ vào lưng bé một lực vừa đủ và vuốt ngược về phía đầu để hơi thoát ra theo đường miệng. Thời gian vỗ ợ hơi có thể khác nhau tùy vào tình trạng đầy hơi của bé. Nhanh có thể trong vòng 1 phút, lâu hơn có thể kéo dài 10 phút. Mẹ cần kiên trì cho đến khi bé ợ hơi thành công. Khi vỗ ợ hơi bé có thể bị ọc ra chút cặn sữa, nhưng mẹ yên tâm, đây là điều bình thường bởi lượng sữa đó bít đường ra của khí nên vô tình bị đẩy ra theo. Bé ti bình thường sẽ dễ đầy hơi hơn nên mẹ có thể vỗ ợ cho bé thêm một lần giữa bữa ăn nếu bé khó chịu, đầy hơi nhé. 

Ba mẹ nên duy trì vỗ ợ hơi cho bé dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt cần lưu ý trong 3 tháng đầu đời. Sau 6 tháng, khi hệ tiêu hoá đã hoàn thiện và cơ thể bé yêu đã cứng cáp hơn, bé đã bắt đầu biết bò, ngồi, bé sẽ có thể tự đẩy khí còn dư ra ngoài mà không cần vỗ ợ hơi nữa. Lúc này, tình trạng đầy hơi, chướng bụng, nôn trớ cũng sẽ giảm dần. 

 

Mẹ hãy tự tin thực hiện vỗ ợ hơi cho bé để bé ăn tốt hơn, giảm đầy hơi và dễ chịu hơn sau mỗi lần ăn nhé. Momo Rabbit chúc mẹ thành công! 



 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy