Bé đang nóng hay lạnh, mẹ có biết?
Trẻ sơ sinh chưa biết cách “nói” với mẹ về cảm giác của bản thân, cũng không biết tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể nên rất cần mẹ chăm sóc, quan tâm. Mẹ cùng Momo Rabbit tìm hiểu cách nhận biết mức độ nóng lạnh của bé và cách điều chỉnh nhé.
Tầm quan trọng của nhiệt độ cơ thể
Nhiệt độ lý tưởng giúp bé ngủ ngon, sâu giấc
Các bé có nhiệt độ cơ thể thông thường là khoảng 36,4 độ C và có thể thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Bé được coi là đang sốt khi nhiệt độ từ 38 độ C trở lên. Thường xuyên theo dõi nhiệt độ của bé đặc biệt vào mùa đông và trong lúc bé ngủ giúp bé tránh được cảm lạnh, các bệnh ngoài da do quá nóng và cả hội chứng SIDS ở trẻ sơ sinh do nhiệt độ quá cao. SIDS là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, trong đó nhiệt độ phòng quá cao cũng là một trong những nguyên nhân bởi khiến bé khó thức dậy hơn khi có những hiện tượng bất thường như bị ngạt, bị nghẽn đường thở.
Cơ thể của trẻ sơ sinh còn rất yếu, không thể tự điều chỉnh nhiệt cho phù hợp với môi trường, chưa biết cách đắp thêm chăn, mặc thêm áo, cũng không biết biểu hiện với mẹ nên rất dễ bị quá nóng hoặc quá lạnh.
Cách kiểm tra nhiệt độ cơ thể bé
Mẹ không cần phải dùng nhiệt kế 24/7 để thường xuyên đo thân nhiệt của bé và cũng đừng quá lo lắng nhé. Nếu bé khỏe mạnh và không sốt, mẹ chỉ cần kiểm tra bằng cách tiếp xúc với da bé để biết bé có đang bị nóng hay lạnh không thôi.
Sờ tay, chân
Sờ tay chân là chưa đủ để biết bé có nóng hay lạnh quá không
Nhiều mẹ quan niệm chỉ cần sờ tay, chân của bé là có thể biết được thân nhiệt của bé. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Tay chân bé thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài và là nơi thoát nhiệt nhiều nhất của cơ thể do đó thường sẽ lạnh hơn. Đặc biệt là ban đêm tay chân của bé không ấm nhưng cơ thể bé lại hoàn toàn đủ ấm nên sờ tay chân không đủ để nhận biết tình trạng nóng lạnh của bé.
Quan sát tư thế cuộn người của bé
Tư thế nằm cũng mang nhiều "thông tin" cho mẹ
Tư thế khi nằm ngủ là dấu hiệu quan trọng để bố mẹ phân biệt tình trạng nóng, lạnh của bé. Nếu bé cuộn tròn người lại có nghĩa bé đang bị lạnh và cần mẹ đắp thêm chăn cho bé. Còn nếu bé nóng, đơn giản là bé sẽ tìm cách đạp chăn ra. Mẹ cũng có thể quan sát thêm sắc mặt của bé, như ửng đỏ khi bị quá nóng hoặc trắng bệch khi bị lạnh, cảm lạnh để điều chỉnh nhiệt độ phòng hay chăn, quần áo cho bé.
Sờ cổ, gáy
Thường xuyên điều chỉnh chăn, nhiệt độ cho bé
Để kiểm tra thân nhiệt của bé mẹ nên sờ vào vùng cổ, gáy của bé bởi đây là vùng da mỏng dễ biểu hiện nhiệt độ cơ thể. Cổ của bé lạnh đồng nghĩa bé đang bị lạnh và mẹ cần đắp thêm chăn, đeo khăn hoặc yếm cho bé. Trong khi, bé bị quá nóng vùng da cổ, gáy sẽ toát nhiệt cao, da bé ửng đỏ, mẹ cần nới bớt áo quần, điều chỉnh nhiệt độ phòng.
Sờ ngực, lưng
Nhiệt độ phòng luôn giữ ở mức trung bình
Một cách khác để kiểm tra thân nhiệt Momo Rabbit gợi ý cho mẹ là sờ vùng ngực và lưng của bé. Nếu bé bị quá nóng, phần ngực, lưng sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn rất dễ dẫn tới cảm lạnh. Mồ hôi tiết nhiều cũng tăng khả năng bé bị các bệnh như rôm sảy, hăm và các bệnh ngoài da khác. Vùng ngực bụng mà lạnh rất nguy hiểm bởi ảnh hưởng tới các tổ chức nội tạng bên trong cơ thể bé.
Một vài lưu ý cho mẹ
Lựa chọn đồ mỏng, nhẹ, thấm hút mồ hôi cho bé
Để tránh tình trạng quá nóng, quá lạnh mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phòng luôn ở mức trung bình, thông thoáng. Nếu phải ra ngoài vào mùa lạnh Momo Rabbit nhắc mẹ nhớ quy tắc “thêm 1 lớp”, tức là người lớn mặc như thế nào bé cũng như vậy nhưng thêm 1 lớp mỏng nữa là đủ ấm. Thường xuyên kiểm tra vùng lưng bé khi bé vận động nhiều để tránh mồ hôi gây cảm lạnh. Mẹ có thể lau khô hoặc thay áo cho bé. Luôn mặc đồ chất cotton thấm hút tốt trong cùng cho bé. Khi kiểm tra thân nhiệt hoặc khi thay bỉm cho bé, nhất là khi bé ngủ, Momo Rabbit gợi ý mẹ cần làm ấm tay mình trước. Tay mẹ lạnh đột ngột chạm vào da bé sẽ khiến bé giật mình, cảm thấy hoảng sợ đó ạ. Bố mẹ không nên đắp chăn quá dày cho bé. Bé nóng sẽ đạp chăn ra, nếu không kịp đắp lại bé dễ bị lạnh, cảm. Cách tốt nhất là đắp một tấm chăn mỏng, nhẹ và thường xuyên kiểm tra cơ thể của bé để chắc chắn con đủ ấm và có một giấc ngủ ngon.
Chúc mẹ trở thành một “chuyên gia” về sức khỏe cho bé nhé!