Momo Rabbit

Bé ho kéo dài, mẹ đừng chủ quan! 

23 tháng 04 2021
Nguyen Hong Diep

Ho có thể là vận động hết sức bình thường ở trẻ nhưng khi ho kéo dài có thể ẩn chứa những nguy cơ bệnh lý theo chiều hướng xấu. Tìm hiểu trong bài viết sau của Momo Rabbit để thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bé yêu mẹ nhé. 

Những nguyên nhân bệnh lý gây ra tình trạng ho kéo dài

Ho kéo dài có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân

Ho kéo dài có thể là biểu hiện của những bệnh liên quan đến đường hô hấp, gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi, giảm chất lượng ăn, ngủ, vui chơi của các bé. Dưới đây là những bệnh thường gây ra tình trạng này: 

Nhiễm trùng đường hô hấp: Việc tiếp xúc với virus, vi khuẩn trong không khí, đồ chơi ở nhà hay khi đi lớp là rất khó tránh khỏi. Nhiễm khuẩn chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng ho kéo dài, bên cạnh đó bé có thể có các biểu hiện khác như sốt, chảy nước mũi, hắt hơi, mệt mỏi, biếng ăn … 

Hen phế quản: Bệnh lý gây co thắt và viêm mãn tính đường hô hấp này thường các bé sẽ mắc phải vài lần trước 2 tuổi. Hen phế quản gây viêm khí quản, hạn chế không khí vào phổi, khiến bé ho kéo dài mỗi khi mắc. Nguyên nhân gây ra có thể đến từ phấn hoa, lông thú, khí thải, khói thuốc hoặc một số thực phẩm. Triệu chứng thường gặp là những đợt ho khan, ho từng cơn, tức ngực, thở rít. 

Ho là dấu hiệu tốt, nhưng ho dai dẳng cần được điều trị

Hệ quả của dị ứng, nhiễm virus: Có rất nhiều tác nhân gây dị ứng trong môi trường sống hàng ngày, đồng thời bé cũng dễ bị nhiễm virus có trong không khí. Triệu chứng của các bệnh này khiến cơ thể bé sản sinh ra lượng chất nhầy quá mức gây chảy dịch mũi, chất nhầy này chảy xuống phía sau cổ họng, kích thích dây thần kinh gây ho kéo dài. Tình trạng ho có thể kèm với đờm, nặng hơn vào ban đêm, bé đồng thời bị ngứa cổ, hắt hơi, ngứa, chảy nước mắt và có thể nổi mẩn nếu bị dị ứng. 

Ho gà: Các bé ngoài 3 tháng tuổi mới được tiêm vaccine bệnh ho gà, bởi vậy trước đó nếu bé có biểu hiện ho dai dẳng, kéo dài, kèm sốt, nôn trớ, ngưng thở, tím tái sau khi ho thì có thể bé đã mắc bệnh. 

Viêm phổi: Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp này do virus hoặc vi khuẩn gây ra, các bé rất dễ mắc khi đến các khu vui chơi, lớp học mà không được bảo vệ kĩ. 

Cách phòng ngừa ho cho bé

Hệ miễn dịch khoẻ mạnh là nền tảng vững chắc cho bé

Sức khoẻ và hệ miễn dịch tốt là nền tảng để bé khỏe mạnh trước các tác nhân môi trường và ít mắc các bệnh lý thông thường. Chính vì vậy, duy trì bữa ăn lành mạnh, đủ chất, nhiều dinh dưỡng, giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của bé, giúp bé phát triển tốt hơn. 

Mẹ cũng nên thường xuyên cho bé ra ngoài vận động, tiếp xúc với môi trường thay vì suốt ngày ở trong không gian đóng kín. Việc được tiếp xúc với môi trường cũng giúp bé phát triển hệ kháng thể chống chọi lại các tác nhân gây bệnh chủ động. Mẹ chỉ cần lưu ý luôn đeo khẩu trang cho bé khi đến chỗ đông người để tránh bụi bặm, vi khuẩn, virus lây lan trong không khí, thường xuyên vệ sinh tay chân cho bé sau khi tiếp xúc với các đồ vật, vệ sinh đồ chơi của bé thường xuyên. 

Giữ nhiệt độ phòng vừa phải, không quá chênh lệch với môi trường để khi mẹ đưa bé ra ngoài bé không bị shock nhiệt. Độ ẩm trong phòng cũng cần mẹ cân nhắc điều chỉnh, quá khô hoặc quá ẩm đều dễ dẫn tới các kích thích tiết dịch không tốt cho sức khỏe đường hô hấp của bé. 

Khi bé được 6 tháng trở lên mẹ nên cho bé tiêm mũi vaccine ngừa cúm. Vaccine không giúp bé KHÔNG bị cảm cúm nữa nhưng tạo ra hệ miễn dịch giúp bé không bị nặng khi mắc phải, và có sức đề kháng tốt hơn. 

Tuyệt đối không để bé tiếp xúc với những người bị cảm cúm, mắc bệnh, kể cả các bệnh thông thường. Cơ thể còn non của bé rất dễ bị lây nhiễm bởi virus, vi khuẩn qua hô hấp và tiếp xúc. 

Làm gì khi bé ho dai dẳng?

Tìm hiểu đúng nguyên nhân để có cách xử lý đúng nhất

Bé bị ho kéo dài, dai dẳng là biểu hiện cho thấy các vấn đề liên quan đến sức khoẻ và đường hô hấp. Nếu bé bị ho trên 1 tuần, Momo Rabbit khuyên mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để khám làm rõ nguyên nhân và có phương pháp điều trị. 

Thuốc ho chỉ uống khi có chỉ định của bác sĩ với liều lượng phù hợp với thể trạng và lứa tuổi của bé. Các bài thuốc dân gian như chanh mật ong, gừng có thể sử dụng với các trẻ lớn. Mật ong có chứa các chất độc gây dị ứng đối với trẻ nhỏ nên các bé dưới 1 tuổi mẹ không nên sử dụng và khi dùng với các bé lớn hơn cần thử 1 chút trước để xem phản ứng của bé. 

Khi bé ho nhiều mẹ nên cho bé uống nhiều nước, giúp bé đỡ rát họng, giảm ho, loãng đờm. Các bé dưới 1 tuổi mẹ chỉ cho bé uống chút sữa thay vì nước lọc. Tuyệt đối không cho bé dùng các thuốc ho dành cho người lớn bởi các tác dụng phụ nguy hại đến sức khoẻ của bé. 

Momo Rabbit chúc mẹ và bé vượt qua giao mùa khoẻ mạnh và luôn vui tươi nhé! 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy