Bé mọc răng rồi, mẹ bất ngờ chưa nè?
Bé yêu của mẹ đã mọc chiếc răng đầu tiên? Mọc răng là mốc phát triển mà bất kỳ bạn bé nào cũng phải trải qua. Có bé sẽ rất nhẹ nhàng, nhưng cũng có bé sẽ khá vất vả với những chiếc răng xinh. Mẹ cùng Momo Rabbit tìm hiểu những dấu hiệu bé sắp mọc răng và cách làm bé dễ chịu hơn trong giai đoạn này nhé!
Quá trình mọc răng ở trẻ sơ sinh
Thứ tự các bạn răng xinh xuất hiện
Quá trình hình thành và phát triển răng bắt đầu từ giai đoạn phôi thai. Tuy nhiên, thông thường cho đến khi bé được 6 tháng tuổi, những chiếc răng sữa đầu tiên mới bắt đầu mọc vào cung hàm. Mọc răng là cả một quá trình chậm chạp khi chiếc răng cố gắng xuyên qua nướu để đi vào khoang miệng. Thời gian mọc răng sữa của bé kéo dài từ 6-24 tháng tuổi. Thời gian mọc răng vĩnh viễn bắt đầu từ khi bé 6 tuổi cho đến khi trưởng thành.
Thứ tự mọc răng nói chung của bé
Momo Rabbit gửi mẹ thời gian mọc răng thường gặp ở bé:
Răng cửa giữa: 6-12 tháng tuổi
Răng cửa bên: 9-16 tháng tuổi
Răng nanh: 16-23 tháng tuổi
Răng hàm đầu tiên: 13-19 tháng tuổi
Răng hàm thứ hai: 22-24 tháng tuổi
Từ 6 đến 12 tuổi, chân răng của 20 chiếc răng “con” này bị tiêu đi, cho phép thay thế bằng 32 chiếc răng vĩnh viễn “trưởng thành”. Răng hàm thứ ba (“răng khôn”) thường mọc vào giai đoạn thành niên, khoảng sau 18 tuổi. Vì răng khôn thường mọc ngầm, lệch, do đó chiếc răng này thường được bác sĩ làm tiểu phẫu để giảm đau trong trường hợp mọc sai vị trí.
Quá trình mọc răng kéo dài bao lâu?
Khi mọc răng bé có dấu hiệu ngứa lợi, thích gặm đồ vật
Những chiếc răng “khó bảo” không phải lúc nào cũng khiến bé khó chịu, tuy nhiên bé mọc răng càng muộn thì khi răng nhú ra sẽ càng đau hơn. Thông thường răng sẽ mọc lên trong khoảng 3 - 5 ngày với các dấu hiệu và triệu chứng như: Lợi bị sưng, mềm; bé chảy nhiều dãi và luôn tìm cách gặm, cắn đồ chơi cho đỡ ngứa lợi; khó chịu, bứt rứt gây ra quấy khóc, khó ngủ, bỏ ăn.
Bên cạnh đó, mặc dù thường xuyên xảy ra cùng nhau nhưng mọc răng không liên quan đến việc sốt cao trên 38 độ ở bé, những cơn sốt này có thể do virus gây ra nên mẹ cần đặc biệt lưu tâm nếu bé sốt cao. Phát ban trên cơ thể, nôn trớ, tiêu chảy … cũng là những biểu hiện dễ bị cho là do mọc răng, nhưng cũng chưa được kiểm chứng nên mẹ lưu ý tránh nhầm lẫn với các bệnh khác.
Cách giảm nhẹ triệu chứng mọc răng cho bé
Mẹ giúp bé giảm bớt áp lực khi mọc răng nhé
Những cơn đau răng khó chịu có thể khiến bé quấy khóc, điều này gây ra tâm lý lo âu, xót con cho các mẹ. Mẹ có thể tham khảo cách để giúp bé dịu cơn đau, tuy nhiên nên rất hạn chế dùng thuốc cho bé mẹ nhé.
Những cách không cần dùng thuốc:
Mẹ có thể giúp bé giảm bớt sự khó chịu bằng cách lau nhẹ nướu và chỗ lợi vùng răng sắp mọc bằng tay hoặc dùng khăn sạch cho bé cắn. Mẹ cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp đắc lực của ti giả giúp bé bình tĩnh hơn. Các vật lạnh vừa phải cũng có thể giúp bé giảm sưng đau khi mọc răng. Tuy nhiên mẹ chỉ nên cho bé dùng vật lạnh hạn chế, tránh những vật quá lạnh tiếp xúc với nướu của bé. Đây cũng là giai đoạn mẹ cần để ý vệ sinh các vật dụng gần bé vì bé có thể gặm cắn mọi thứ.
Mách mẹ cách chăm sóc răng miệng cho bé
Vệ sinh răng bé mỗi ngày nhé mẹ ơi
Chăm sóc răng miệng cho bé từ sớm:
Vệ sinh răng miệng nên được bắt đầu ngay cả trước khi mọc chiếc răng đầu tiên. Làm sạch nướu hai lần một ngày bằng cách sử dụng miếng miếng vải xô sạch hay miếng tưa lưỡi một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.
Kiểm soát vi khuẩn sâu răng
Trẻ sơ sinh và trẻ em không bao giờ được mang bình vào nôi hoặc giường hoặc dùng liên tục khi ngủ. Sữa công thức, sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu nành và nước trái cây đều có thể liên quan đến sự hình thành sâu răng. Ăn trái cây dính (chẳng hạn như nho khô) hoặc thực phẩm khác chứa nhiều đường (chẳng hạn như kẹo) cũng có liên quan đến sự gia tăng hình thành sâu răng.
Khám răng cho bé từ sớm
Quá trình mọc răng của bé là một quá trình kéo dài, xảy ra đồng thời cùng với sự phát triển thể chất của bé, đóng một vai trò quan trọng trong thể chất, sức khỏe của bé. Mặc dù thời gian này sẽ khiến cha mẹ gặp nhiều phiền muộn, lo lắng. Tuy nhiên, việc cha mẹ trang bị những kiến thức cần thiết sẽ giúp bé trải qua thời gian này tốt hơn, ít khó chịu và mệt mỏi. Hãy giúp bé có những trải nghiệm vui vẻ hơn để tận hưởng sự xuất hiện của những chiếc răng bé xinh!