Momo Rabbit

Bổ sung chất xơ cho thực đơn cho bé ăn dặm truyền thống

25 tháng 03 2022
Nguyen Hong Diep

Mẹ có biết cách ăn dặm truyền thống của người Việt Nam rất dễ khiến bé bị mất cân bằng dinh dưỡng và thiếu chất xơ không? Làm thế nào để bổ sung chất xơ hiệu quả cho thực đơn bé ăn dặm? Cùng tìm hiểu vấn đề này với Momo Rabbit mẹ nhé.

Ăn dặm truyền thống của người Việt, ưu và nhược điểm 

Bổ sung chất xơ cho thực đơn cho bé ăn dặm truyền thống

Ăn dặm truyền thống rất quen thuộc với các gia đình Việt

 

Phương pháp ăn dặm được truyền qua bao thế hệ người Việt Nam được các mẹ bỉm sữa đặt tên là ăn dặm truyền thống. Cách ăn dặm này không cầu kỳ, không có công thức cụ thể, dễ thực hiện, bé dễ hấp thu, dễ tăng cân. Chính vì vậy ăn dặm truyền thống rất dễ được chấp nhận trong phần lớn các gia đình, ít bị phản đối như khi mẹ thử áp dụng các phương pháp hiện đại khác. 

Ăn dặm truyền thống cho bé được tiếp xúc với thức ăn từ loãng tới đặc, từ nhuyễn tới thô. Thức ăn chính cho bé sẽ là bột, cháo, cơm nát và cơm. Thức ăn như thịt, cá, rau, củ sẽ được nấu chung với bột, cháo. Đây là ưu điểm của ăn dặm truyền thống, giúp mẹ giảm bớt rất nhiều thời gian chuẩn bị đồ ăn, bé ăn được nhiều.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm lớn. Cách nấu chung các loại thực phẩm khiến bé không phân biệt được mùi vị của từng loại khác nhau. Đồng thời mẹ cũng không thể phát hiện được nguyên nhân khi bé có dấu hiệu bị dị ứng với thức ăn. 

Ngoài ra, do đặc tính coi trọng tinh bột và chất đạm của người Việt nên khẩu phần ăn của các bé thường rất thiếu rau xanh, hoa quả khiến bé không được cung cấp đủ chất xơ, vitamin. Thiếu hụt phần dưỡng chất quan trọng này khiến bé dễ táo bón, khó hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng kém, có nguy cơ bị còi xương. 

Chất xơ đến từ đâu?

Bổ sung chất xơ cho thực đơn cho bé ăn dặm truyền thống

Nguồn chất xơ bổ sung qua các loại rau củ quả

 

Một khẩu phần cho bé ăn dặm cân bằng cần có đủ 4 nhóm chất: Tinh bột - chất đạm - chất béo - chất xơ, vitamin. Trong đó tinh bột và chất đạm đóng vai trò cung cấp năng lượng, chất béo giúp tăng hấp thu và chất xơ đóng vai trò hỗ trợ tiêu hoá, chuyển hoá.

Những lợi ích của chất xơ đối với cơ thể gồm có:

  • Hỗ trợ quá trình tiêu hóa, phòng ngừa táo bón

  • Giảm lượng cholesterol trong máu

  • Tăng cảm giác no, hạn chế thèm ăn quá mức

Chất xơ được chia thành 2 loại, hoà tan và không hòa tan trong nước.

Chất xơ hoà tan tạo thành chất dạng gel trong đường tiêu hóa giúp loại bỏ các chất có hại trong thức ăn. Các nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan bao gồm các loại đậu, yến mạch, lúa mạch, trái cây và trái bơ. Chất xơ hòa tan sẽ giúp làm mềm phân, để phân có thể di chuyển trong đường tiêu hóa dễ dàng hơn. Hơn nữa, nó còn tạo môi trường thuận cho lợi khuẩn đường ruột phát triển.

Chất xơ không hòa tan là loại chất xơ mà mọi người thường nghĩ là “thức ăn thô”. Nó là thành phần cứng có trong ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây và rau xanh (đặc biệt có nhiều trong hạt, vỏ và thân, cuống). Tất nhiên, đúng như tên gọi, loại chất xơ này sẽ không tan trong chất lỏng khi vào đường ruột. Chất xơ không hòa tan giúp tăng khối lượng phân, làm cho quá trình đại tiện diễn ra nhanh chóng và thường xuyên hơn (ngăn ngừa chứng táo bón). Để cung cấp đủ chất xơ cho bé hàng ngày mẹ có thể bổ sung rau xanh như rau cải, rau bó xôi, súp lơ, su su hoặc từ các loại hoa quả giàu chất xơ như táo, lê, cam, chuối, dâu …

Cách bổ sung chất xơ vào thực đơn bé ăn dặm

Bổ sung chất xơ cho thực đơn cho bé ăn dặm truyền thống

Lựa chọn thực phẩm an toàn và bổ sung vào khẩu phần hàng ngày của bé

 

Khâu chọn nguyên liệu nấu ăn dặm cho bé rất quan trọng. Mẹ nên chọn những loại rau, quả tươi, không dập nát. Tránh những loại rau, quả không đảm bảo, có dư lượng thuốc trừ sâu hoặc có nhiều chất bảo quản. Mẹ cũng không nên cho bé ăn những loại hoa quả đóng hộp vì thường những loại này có rất nhiều đường, hàm lượng chất xơ thấp, không tốt cho cơ thể bé. 

Với trái cây tươi, mẹ cần rửa, ngâm nước muối loãng để loại bỏ tạp chất, hoá chất còn sót lại trên rau, quả trước khi chế biến. Với rau xanh, mẹ có thể thái nhỏ, nấu chín rồi xay nhuyễn cùng với bột, cháo. Với các bé đã ăn cơm, mẹ nên thường xuyên biến tấu món ăn, sử dụng các gia vị, hương vị khác nhau để kích thích niềm vui ăn uống của bé. Ngoài ra mẹ có thể nấu các món canh, súp với nhiều loại rau củ vừa là món dễ ăn, mới mẻ, vừa là nguồn bổ sung đầy đủ dưỡng chất, trong đó có chất xơ cho bé. Việc bổ sung cho bé các loại hoa quả thường xuyên vào các bữa ăn phụ, ăn tráng miệng trong ngày cũng tương đối đơn giản. Hoa quả cắt miếng hoặc xay nhuyễn hoặc trộn chung với sữa chua, kem tươi ít đường sẽ giúp bé dễ ăn và thích thú hơn. 

 

Tạo ra thực đơn cân bằng cho bé ăn dặm không quá khó ngay cả với phương pháp ăn dặm truyền thống. Với thông tin nêu trong bài viết, Momo Rabbit mong rằng mẹ đã hiểu tầm quan trọng của chất xơ và không quên bổ sung đầy đủ cho nhu cầu của bé yêu mỗi ngày.

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy