Momo Rabbit

Hướng dẫn đầy đủ cho bé khởi đầu ăn dặm nhàn tênh

28 tháng 07 2022
Nguyen Hong Diep

Ăn dặm là bước ngoặt phát triển với mọi em bé. Để khởi đầu ăn dặm thành công, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ những thông tin liên quan để hiểu rõ và áp dụng đúng cách. Momo Rabbit hướng dẫn bố mẹ những thông tin cơ bản quan trọng cần nhớ trong bài viết dưới đây.

Ăn dặm là gì? Thời điểm nào tốt nhất để ăn dặm?

Ăn dặm tốt nhất vào 6 tháng tuổi cho bé khởi đầu hoàn hảo

 

Ăn dặm là tên gọi cho giai đoạn chuyển tiếp trong chế độ ăn của bé, từ hoàn toàn sữa mẹ/sữa công thức sang các bữa ăn dạng thô hơn, đa dạng thực phẩm hơn. Các bé trong giai đoạn ăn dặm sẽ hoàn thiện dần các chức năng tiêu hoá nên mẹ không nên quá quan tâm đến lượng thức ăn của bé mỗi bữa mà tập trung vào cân bằng dinh dưỡng, cung cấp loại thực phẩm, độ thô vừa phải với khả năng của bé. Từ đó sẽ giúp bé phát triển vững vàng, tránh những rủi ro cho đường tiêu hóa trong quá trình ăn dặm. 

Khoa học đã chứng minh các chức năng tiêu hoá của bé sẽ đủ khả năng tiếp nhận nguồn thực phẩm mới vào khoảng 5,5 đến 6 tháng tuổi. Cùng lúc đó, đây là thời điểm sữa mẹ bắt đầu giảm dần nguồn dưỡng chất nên bé rất cần bổ sung từ các nguồn khác. 

Chính vì vậy, 6 tháng là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu ăn dặm. Quá sớm hoặc quá muộn so với thời điểm này đều gây ra các vấn đề khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. 

Thực đơn cho bé ăn dặm như thế nào là tốt?

Thực đơn cân bằng, đủ chất và đa dạng cho bé hứng thú với bữa ăn

 

Mẹ nên biết nguồn dinh dưỡng chính trong giai đoạn ăn dặm của bé vẫn đến chủ yếu từ sữa mẹ/sữa công thức. Bé chưa thể hấp thu được các dinh dưỡng từ thức ăn dạng thô ngay mà cần nhiều thời gian để làm quen và hoàn thiện các chức năng tiêu hoá. 

Dù vậy, thực đơn cho bé ăn dặm cũng cần được mẹ tính toán kỹ, tránh những trường hợp mất cân bằng dinh dưỡng do thói quen ăn uống tuỳ tiện. 

Các bữa ăn của bé cần cân bằng các nhóm chất chính gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và chất xơ, vitamin. Những dưỡng chất này đều có thể lấy được từ nguồn thực phẩm hàng ngày, chỉ cần kết hợp khéo léo giữa các món ăn là mẹ có thể tạo ra thực đơn phong phú và hấp dẫn. 

Lượng ăn, độ thô, chủng loại thức ăn của bé sẽ tăng dần lên theo khả năng xử lý của bé. Momo Rabbit khuyên mẹ nên linh hoạt điều chỉnh để bé luôn vui vẻ, thoải mái nhất với các bữa ăn của mình. 

Hướng dẫn cho bé ăn dặm đúng cách

Ăn dặm đúng cách giúp các bữa ăn dễ dàng, vui vẻ hơn

 

Có nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau mẹ có thể chọn lựa để áp dụng cho khởi đầu ăn dặm của bé. Các phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Có thể kể đến các phương pháp phổ biến như:

  • Ăn dặm truyền thống

  • Ăn dặm kiểu Nhật

  • Ăn dặm tự chỉ huy

Trong số các phương pháp này thì chỉ ăn dặm tự chỉ huy là khác biệt rõ ràng khi ngay từ đầu đã cho bé làm quen với các thức ăn dạng thô, cọi trọng trải nghiệm và phát triển kỹ năng. 

Các phương pháp khác đều tuân theo các nguyên tắc cơ bản như:

  • Ăn từ loãng tới đặc

  • Ăn từ mịn tới thô

  • Ăn từ ít tới nhiều

  • Dành ít nhất 2 bữa cho mỗi loại thực phẩm mới

  • Chú ý đến phản ứng của bé khi tiếp xúc với thực phẩm mới, đặc biệt là các loại thực phẩm có thể gây dị ứng như trứng, hải sản, dầu hạt … 

  • Cân bằng dinh dưỡng theo tháp dinh dưỡng 

  • Bổ sung các bữa phụ vào lịch sinh hoạt hàng ngày

  • Cân đối giữa các bữa ăn dặm với lượng sữa

  • Duy trì lượng sữa như ban đầu để tránh thiếu hụt dinh dưỡng cho bé

Những lưu ý khác khi bé khởi đầu ăn dặm

Tôn trọng khả năng của bé sẽ giúp bé ăn dặm tốt hơn

 

Việc xây dựng thói quen ăn dặm ngay từ đầu cho bé rất quan trọng. Những việc mẹ cần làm để bé duy trì kỷ luật bàn ăn như ngồi ghế riêng, chỉ ăn khi ngồi tại bàn, không xem tivi, ipad khi ăn, không vừa ăn vừa chơi … Những điều này sẽ góp phần giúp cho các bữa ăn tập trung, hiệu quả, từ đó bé hứng thú với ăn uống, tăng khả năng hấp thu. 

Ăn nhiều ăn ít không quan trọng bằng việc xây dựng niềm vui thích, thoải mái với bữa ăn. Vì chỉ khi bé thoải mái các bữa ăn mới đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, Momo Rabbit nhắc mẹ không nên ép bé ăn, hạn chế cảm xúc cáu giận, bực bội khi cho bé ăn.

Kỹ năng ăn cũng rất cần thiết đối với các bé. Những kỹ năng bé sẽ học được qua các bữa ăn như nhai, nuốt, xử lý thức ăn cứng, cầm nắm, bốc, sử dụng thìa, dĩa … Mẹ nên khuyến khích bé được tự phát triển các kỹ năng này từ sớm để bé tận hưởng bữa ăn tốt hơn, tự tin, độc lập hơn trong việc ăn uống của bản thân. 

 

Trên đây là những điều mọi bà mẹ cần biết để áp dụng cho bé khởi đầu ăn dặm nhàn tênh. Momo Rabbit mong rằng mẹ và bé sẽ có hành trình ăn dặm thật nhiều niềm vui.

 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy