Momo Rabbit

Lựa chọn thực phẩm gì cho giai đoạn đầu ăn dặm của bé?

25 tháng 11 2020
Nguyen Hong Diep

 

Tập ăn dặm là khởi đầu quan trọng quyết định thói quen ăn uống, khả năng hấp thụ và phát triển thể chất và trí não của bé. Thực phẩm nào nên và không nên sử dụng trong các bữa ăn của bé? Mẹ cùng Momo Rabbit đi tìm lời giải cho vấn đề này nhé! 

Bé bắt đầu ăn dặm khi nào?

Tập ăn dặm cho bé khiến nhiều mẹ đau đầu

Rất nhiều mẹ đặt câu hỏi “bao giờ thì con bắt đầu ăn dặm được?” “4 hay 5 tháng đã ăn dặm được chưa?” “bắt đầu thì nên cho bé ăn gì?” … Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm tại thời điểm 5,5 tháng đến 6 tháng tuổi. Đây là thời điểm đa phần các bé đã có hệ tiêu hóa tương đối hoàn chỉnh và có đủ các dấu hiệu để bắt đầu làm quen với thức ăn khác ngoài sữa mẹ/sữa công thức.

Mẹ không nên cho bé ăn dặm quá sớm vì điều này sẽ ảnh hưởng tới tiêu hóa và khả năng hấp thụ, từ đó có thể dẫn tới biếng ăn, còi xương, chậm lớn. Trong các trường hợp bất khả kháng phải cho bé ăn dặm sớm, mẹ cần có sự tư vấn cụ thể của các chuyên gia dinh dưỡng để có giải pháp phù hợp nhất. 

Bé có thể ăn gì trong giai đoạn tập ăn dặm?

Chọn lựa thực phẩm phù hợp cho khởi đầu thuận lợi

Giai đoạn này mẹ chưa cần quá coi trọng bé ăn nhiều hay ít, mỗi ngày chỉ nên cho bé ăn 1 bữa với một lượng cháo nhỏ. Thức ăn của bé nên tăng dần về lượng, từ loãng tới đặc hơn một chút. Mẹ hãy lắng nghe con và chủ động điều chỉnh theo sự thích ứng của bé với thức ăn. Trong giai đoạn này, thức ăn của bé cần luôn đảm bảo 4 nhóm dinh dưỡng chính bao gồm: Nhóm tinh bột, nhóm chất béo, nhóm chất đạm và nhóm chất xơ, vitamin. 

Nhóm tinh bột đến từ gạo, khoai, các loại đậu … mẹ nên luân phiên cho bé ăn hàng ngày với lượng vừa đủ. Khoai lang, khoai tím … chỉ nên cho bé ăn khi bé đã quen với nuốt thức ăn, bởi có thể khiến bé bị bứ, nghẹn, khó tiêu. 

Nhóm chất béo có nhiều trong bơ, dầu, mỡ. Chất béo cần được bổ sung hàng ngày trong bữa ăn bởi đây là dung môi quan trọng để chuyển hóa vitamin cho bé. Mẹ có thể dùng dầu gạo, dầu olive, dầu óc chó … chưa qua chế biến, trộn chung với cháo, bột để bé ăn. Dầu gấc mẹ cần hạn chế sử dụng bởi có thể gây ra chứng vàng da cho bé.

Nhóm chất đạm được cung cấp từ thịt, cá, các loại đậu, trứng … Trong giai đoạn làm quen, mẹ có thể cho bé ăn lòng đỏ trứng hoặc thịt lợn nạc. Tuy nhiên mẹ không nên lạm dụng chất đạm trong bữa ăn của bé, bởi dư thừa đạm gây ra rối loạn tiêu hóa và nguy cơ biếng ăn.

Nhóm chất xơ và vitamin đến từ các loại rau xanh, củ quả có màu đỏ. Đây là nhóm không cung cấp năng lượng, nên khi mới tập ăn mẹ không cần cho bé ăn quá nhiều. Nếu bé có dấu hiệu bị táo bón, mẹ có thể tăng một chút khẩu phần rau cho bé. Đối với bé bị béo phì, bổ sung nhóm này rất quan trọng để tránh dư thừa năng lượng.

Những thực phẩm cần có cho bữa ăn của bé

Thực phẩm cho bé cần tươi và đủ nhóm chất

Mẹ nên lưu ý bổ sung những loại thực phẩm sau để giúp bé đủ chất, ngon miệng và phát triển vượt trội:

Thực phẩm giàu sắt

Bé tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn này cả về vận động và trí não, do đó sắt rất quan trọng và cần được hấp thụ bằng các thức ăn giàu sắt như: lòng đỏ trứng gà, thịt gà, thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, các loại ngũ cốc nguyên hạt

Thực phẩm giàu kẽm

Kẽm rất quan trọng trong việc giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng, không biếng ăn. Mẹ có thể bổ sung cho bé qua các thực phẩm. 

Động vật có vỏ: Tôm, cua, hến, ngao … là các nguồn cung cấp kẽm rất tốt. Tuy nhiên mẹ cần cho bé ăn thử từng chút một để xem bé có bị dị ứng không nhé. 

Các loại hạt như hạt điều, hạt óc chó … chứa rất nhiều hàm lượng kẽm. Nhưng chúng đồng thời chứa thành phần dầu hạt có thể gây dị ứng nên mẹ cần lưu tâm khi sử dụng cho bé. 

Các loại rau: Đậu nành, đậu Hà Lan, măng tây, bí ngô … là những loại rau giàu kẽm mà mẹ có thể bổ sung vào các bữa ăn cho bé hàng ngày. 

Chờ mẹ trổ tài siêu đầu bếp cho bé yêu

Thực phẩm giàu Omega-3

Omega-3 giúp não bộ và hệ thần kinh của bé phát triển toàn diện nên là dinh dưỡng hàng đầu mẹ cần bổ sung thông qua các thức ăn như: Cá hồi, cá thu, tôm

Thực phẩm giàu vitamin nhóm B

Vitamin nhóm B rất thiết yếu cho cơ thể bởi chúng ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa thức ăn thành các chất cơ thể có thể hấp thụ và quá trình trao đổi chất, các hoạt động thần kinh, sự phát triển của các bộ phận cơ thể bao gồm da và tóc. Các thực phẩm giàu vitamin nhóm B gồm: Gan, Thịt bò, Đậu xanh, đỗ.

Những thực phẩm cần tránh

Giai đoạn ăn dặm sẽ quyết định rất lớn tới thói quen ăn uống, dinh dưỡng của bé nên mẹ cần tuyệt đối tránh những sản phẩm ít giá trị dinh dưỡng, dễ gây các vấn đề sức khỏe như đồ ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, socola, bánh ngọt, đồ ăn chứa đường, đồ ăn chứa muối. 

Mẹ chỉ nên cho bé tiếp xúc với những thức ăn này khi bé ngoài 1 tuổi và càng ít càng tốt cho sức khỏe lâu dài của bé. 

Lưu ý chăm bé trong giai đoạn ăn dặm

Xây dựng cho bé thói quen ăn khoa học

  • Tuyệt đối không cho bé ăn dặm quá sớm

  • Ăn đúng giờ, ngồi bàn ăn hoặc ghế ăn để bé làm quen với thói quen ăn uống khoa học.

  • Xây dựng niềm vui cho bữa ăn và kỷ luật bàn ăn càng sớm càng tốt.

  • Luôn để ý output của bé trong giai đoạn này để biết tình trạng tiêu hóa thức ăn và các dấu hiệu về đường ruột của bé.

  • Với thực phẩm mới, luôn giới thiệu cho bé từng chút một để xem khả năng thích ứng và các dấu hiệu dị ứng của bé.

Chúc mẹ và bé có giai đoạn tập ăn dặm thật vui nhé!

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy