Nhận diện chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Hệ tiêu hóa non yếu của trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương bởi những tác nhân xuất phát từ sinh hoạt và ăn uống. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu những biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục chứng rối loạn tiêu hóa phiền toái này mẹ nhé.
Rối loạn tiêu hóa là gì nhỉ?
Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng cơ vòng co thắt bất thường gây ra đau bụng, đi ngoài và một số các vấn đề trong chuyển hóa thức ăn. Theo các nghiên cứu gần đây nhất, có tới hơn 50% trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có các biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa. Đây là chứng bệnh thường gặp bởi các bé có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn còn kém, trong khi nhu cầu thực tế về dinh dưỡng rất lớn để phát triển đồng thời thể chất và trí não. Rối loạn tiêu hóa kéo dài gây ra các vấn đề về thấp còi, suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch kém, dễ bị các bệnh tiêu hóa về sau.
Các biểu hiện thường gặp khi bé bị rối loạn tiêu hóa
Bé rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh cho tới trước 1 tuổi. Các biểu hiện chung thường thấy có thể bao gồm:
Nôn trớ: Đường tiêu hóa chưa hoàn thiện kết hợp với tình trạng đầy hơi gây ra nôn trớ. Nôn trớ sinh lý và nôn trớ bệnh lý có sự khác nhau rõ rệt nên mẹ cần lưu ý nếu bé bị thường xuyên, có dấu hiệu quấy khóc, bỏ ăn để có biện pháp khắc phục.
Táo bón: Hệ tiêu hóa của bé còn rất non nớt nên mọi thực phẩm bé ăn mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng, những thức ăn khó tiêu hóa, nhiều dầu mỡ không tan, thừa đạm đều gây ra tình trạng táo bón cho bé. Táo bón thường xuyên khiến bé thiếu chất, biếng ăn, chậm lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển.
Đi ngoài phân sống: Đây là hiện tượng dễ gặp ở các bé phải sử dụng thuốc kháng sinh do không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây hại, kháng sinh còn đồng thời triệt tiêu các lợi khuẩn đường ruột, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đường ruột và khả năng tiêu hóa thức ăn. Đối với các bé không dùng kháng sinh, đi ngoài phân sống là hậu quả của sự mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn có sẵn trong đường ruột, gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột.
Tiêu chảy: Nếu bé có biểu hiện đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày mẹ cần lưu tâm đến chứng tiêu chảy. Tiêu chảy nhiều và kéo dài dẫn tới sự mất nước, tụt điện giải, rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân và cách khắc phục rối loạn tiêu hóa ở bé
Các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa của bé bao gồm: Hệ tiêu hóa non yếu của bé dễ bị tác động bởi vi khuẩn có hại, sử dụng thuốc kháng sinh gây ảnh hưởng tới khuẩn đường ruột của bé, chế độ dinh dưỡng không hợp lý với khả năng hấp thụ của bé, ngộ độc thực phẩm nhẹ do đồ ăn không được làm sạch, nấu chín đúng cách và môi trường sống hàng ngày của bé không an toàn tạo điều kiện của vi khuẩn xâm nhập.
Mẹ nên xây dựng cho bé chế độ ăn uống khoa học, đa dạng thực phẩm, nhất là khi bé bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm. Luôn đảm bảo nguồn thực phẩm tươi, sạch, được chế biến đúng cách. Với mỗi loại thực phẩm mới cần giới thiệu với bé từ tốn để thử phản ứng của bé, đáng chú ý nhất là các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, các loại hải sản, các loại dầu đậu, đỗ …
Cung cấp cho bé lượng nước vừa đủ hàng ngày cũng giúp cho quá trình tiêu hóa của bé dễ dàng hơn. Tuy nhiên mẹ không nên cho bé uống nước trước 6 tháng tuổi, các loại nước quả cần được pha loãng trước khi cho bé uống tránh dư thừa đường. Mẹ cũng nên rèn cho bé cách ăn khoa học, dạy cho bé nhai, nuốt các loại thực phẩm bởi khi bé nhai sẽ tiết ra các dịch vị giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, ăn uống ngon hơn. Luôn chú ý đến việc giữ vệ sinh cho bé trước khi ăn uống, thực hiện tẩy giun cho bé 6 tháng/lần, sử dụng nguồn nước, thực phẩm sạch, an toàn.
Mặc dù rối loạn tiêu hóa là bệnh phổ biến, thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng mẹ không nên chủ quan và cần luôn theo sát các biểu hiện của bé để có các biện pháp khắc phục đúng cách. Vì sức khỏe và sự phát triển toàn diện trong tương lai của bé, mẹ hãy dành thật nhiều thời gian cho bé trong giai đoạn đầu đời quan trọng nhé.
Momo Rabbit chúc mẹ và bé luôn vui vẻ, hạnh phúc và khoẻ mạnh nhé!