Momo Rabbit

Những cột mốc đáng lưu ý ở trẻ khi bé bắt đầu biết cầm nắm

07 tháng 01 2021
Nguyen Hong Diep

Trong năm đầu tiên, mẹ sẽ thấy bé lớn rất nhanh và thay đổi từng tháng, từng tuần, thậm chí từng ngày. Cầm nắm là một trong những biểu hiện và mốc quan trọng thể hiện sự phát triển và khám phá thế giới của bé. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu về dấu mốc lớn này của bé yêu mẹ nhé.

Cầm nắm đóng vai trò thế nào?

Bé tập cầm nắm

Tự cầm nắm đồ vật là kỹ năng quan trọng cơ bản giúp bé tiếp xúc với môi trường, thế giới xung quanh, tạo nền tảng cho các hoạt động bốc, xúc, sắp xếp đồ đạc, vẽ, sử dụng dụng cụ … Thông thường, trong 2 tháng đầu tiên các hành vi cầm nắm của bé là phản xạ không điều kiện theo bản năng. Từ 3 tháng, não bộ của bé đã hoàn thiện hơn, đóng vai trò chỉ huy động tác cầm nắm. Ngược lại động tác cầm nắm truyền tín hiệu ngược về não bộ, kích thích trí não phát triển, hình thành khả năng phối hợp và sử dụng đôi tay của bé linh hoạt hơn. Thông qua cầm nắm, xúc giác của bé phát triển, tạo sự nhận biết về các bề mặt tiếp xúc mềm, cứng, xù xì, mịn … Đây là việc quan trọng trong khả năng làm quen với thế giới bên cạnh việc thử nếm.

Được tạo điều kiện tiếp xúc, cầm nắm đồ vật giúp bé tự khám phá môi trường xung quanh, tạo sự tự tin, hứng thú giúp bé có tính tự lập và những cảm xúc tích cực. Một em bé bị ngăn cấm quá nhiều sẽ thiếu tự tin, chủ động trong việc tiếp xúc với những thứ mới, qua đó làm chậm quá trình phát triển của bé.

Quá trình phát triển kỹ năng cầm nắm trước 1 tuổi của bé

Bé tập cầm nắm

Theo từng giai đoạn mà kỹ năng cầm nắm của bé có sự thay đổi khác nhau. Giai đoạn từ khi mới sinh đến 2 tháng tuổi, bé nắm tay theo bản năng và các phản xạ không điều kiện. Bé sẽ vô thức tóm và cầm những thứ chạm vào lòng bàn tay và thường xuyên nắm chặt bàn tay. Từ 2 tháng tuổi bé sẽ có khả năng co duỗi bàn tay, có hứng thú khi tiếp xúc với chăn, gối, thú nhồi bông, đồ chơi …Mốc 3 tháng tuổi rất quan trọng, khi bé bắt đầu có sự phối hợp của não bộ để tìm cách cầm nắm những gì bé thích. Mẹ cần tạo điều kiện cho bé thực hành cầm nắm trong giai đoạn này để giúp bé tự tin hơn. Từ 4 đến 8 tháng tuổi bé sẽ cầm nắm được những vật vừa tay một cách chắc chắn, vững vàng hơn, đồng thời có xu hướng cho mọi thứ lên miệng. Đây là lúc rèn luyện sự khéo léo của bàn tay bằng các đồ vật nhỏ hơn, trơn hơn, tập bốc thức ăn … dưới sự hướng dẫn của mẹ. Nếu những giai đoạn trước phát triển thuận lợi, từ 9 đến 12 tháng tuổi bé sẽ có thể sử dụng được ngón cái và ngón trỏ để bốc nhón những vật nhỏ, biết cách đổi đồ vật giữa 2 tay, thành thạo các vận động tinh như xếp chồng đồ vật …

Mẹ có thể làm gì để giúp bé phát triển kỹ năng cầm nắm?

Bé tập cầm nắm

Dựa trên nấc thang tổng quát nêu trên, mẹ có thể hình dung những điều bé có thể làm ở từng giai đoạn trong 1 năm đầu đời. Để hoàn thiện kỹ năng cầm nắm của con yêu, mẹ cần đồng hành và tạo điều kiện cho bé. Không nên giúp bé quá nhiều hay nhặt đồ vật đặt vào tay bé. Mẹ nên để bé tự tìm cách với, nhặt, cầm, nắm mọi thứ vì chỉ như vậy bé mới hình thành các động tác, cảm nhận được đồ vật, kích thích não bộ phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng ở giai đoạn 3 tháng. Bên cạnh đó, mẹ hãy tạo điều kiện cho bé tiếp xúc với những chất liệu mới thông qua những món đồ chơi như cuộn len, bóng, khối gỗ … Mẹ cũng có thể thay đổi kích thước của những món đồ chơi để bé khỏe và khéo hơn trong các cử động. 

Bé tập cầm nắm

Bé sẽ thường xuyên cho các món đồ chơi, đồ vật bé cầm được vào mồm nên mẹ cần vệ sinh đồ chơi cho bé thường xuyên, chọn lựa những món đồ an toàn cho bé và luôn để mắt tới bé để tránh rủi ro do bé nuốt dị vật. Tập bốc thức ăn và dùng thìa xúc cũng là những hoạt động quan trọng của kỹ năng cầm nắm. Các thức ăn dạng thanh vừa tay sẽ giúp bé hoàn thiện động tác đưa thức ăn lên miệng. Trong khi tập dùng thìa sẽ tăng khả năng phối hợp vận động cho bé.

 

Trong giai đoạn đầu đời bé còn rất vụng về, mẹ cần kiên nhẫn ủng hộ và hỗ trợ bé để bé thuận lợi học được những kỹ năng cầm nắm quan trọng. Momo Rabbit chúc bé yêu của mẹ phát triển tốt và luôn mạnh khỏe mẹ nhé! 

 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy