Momo Rabbit

Những sai lầm trong thói quen vệ sinh bình sữa của mẹ

12 tháng 02 2021
Nguyen Hong Diep

Bình uống sữa là vật dụng quen thuộc với mọi em bé sơ sinh. Vì phải sử dụng thường xuyên nên bình sữa cần được vệ sinh rất nhiều lần trong ngày, tuy nhiên có những thói quen vệ sinh bình sữa của nhiều mẹ chưa đúng, điều này dễ dẫn tới các vấn đề về sức khỏe cho bé. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu những lỗi sai cơ bản và cách khắc phục nhé mẹ ơi! 

Rửa bằng nước thôi có đủ sạch?

Rửa bình cùng nước rửa và dụng cụ phù hợp

Quan niệm tráng qua bằng nước sạch sau đó tiệt trùng bằng nước sôi của nhiều mẹ là không chính xác. Thành phần chất béo trong sữa không thể làm sạch hoàn toàn bằng nước, dẫn tới việc sữa còn dư bám két vào thành bình, đáy bình, núm ti. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại sinh sôi, dễ gây ra các bệnh lý đường ruột và tiêu hoá cho bé. Chính vì vậy, mẹ cần rửa bình bằng dụng cụ phù hợp cùng nước rửa bình chuyên dụng và tráng nhiều lần bằng nước mới có thể đảm bảo sữa thừa đã được rửa sạch hoàn toàn. 

Rửa và khử trùng bình sữa quá muộn

Rửa bình ngay sau khi sử dụng 

Nhiều mẹ chỉ rửa bình và khử trùng bình khi có nhu cầu sử dụng, tức là ngay trước khi cho bé uống sữa. Điều này khá nguy hiểm bởi suốt vài tiếng trước đó sữa cũ, cặn sữa không được làm sạch đã lên men, sản sinh vi khuẩn có hại, gây ra mùi hôi khó chịu. Do đó, mẹ cần rửa sạch và khử trùng bình sữa cho bé càng sớm càng tốt sau khi sử dụng sau đó bảo quản nơi sạch sẽ và khô ráo cho lần dùng tiếp theo. 

Không rửa riêng núm ti của bình

Rửa bình và núm ti riêng để đảm bảo vệ sinh

Núm ti của bình sữa là bộ phận bé tiếp xúc khi uống sữa hàng ngày, do đó cần làm sạch kỹ hơn so với những bộ phận khác. Nếu mẹ chỉ làm sạch toàn bộ bình sữa theo cách thông thường, mẹ sẽ bị bỏ qua những phần khe kẽ còn dính sữa thừa, khiến bé dễ gặp vấn đề về tiêu hoá. Để khắc phục điều đó, khi rửa bình cho bé mẹ cần tách riêng phần núm silicon, vệ sinh kỹ phần núm này bằng dụng cụ phù hợp, đặc biệt là vùng tiếp xúc với nhựa dễ bám cặn sữa và phần đầu núm nhỏ khó vệ sinh.

Cất bình sữa ngay khi còn ướt

Chỉ cất bình khi đã khô hoàn toàn

Nhiều mẹ chủ quan rằng sau khi đã làm sạch thì có thể cất bình đi ngay cho dù bình vẫn còn chưa khô. Môi trường ẩm ướt, kín không khí rất dễ phát sinh vi khuẩn, nấm mốc, cho dù đã vệ sinh và dùng hàng ngày. Chính vì vậy, sau khi vệ sinh đúng cách, mẹ cần để bình sữa, núm ti hoàn toàn khô ráo rồi mới lắp lại và cất đi. Mẹ cũng có thể lau thêm một lần bằng khăn sạch, khô để đảm bảo hơn nữa chiếc bình đã hoàn toàn khô trước khi cho bé sử dụng. 

Tiệt trùng ở nhiệt cao liên tục

Mẹ không nên tiệt trùng bằng nước sôi quá nhiều 

Bé có thể uống nhiều cữ sữa trong một ngày, đặc biệt là các bé sơ sinh. Nhiều mẹ có thói quen tiệt trùng bằng nước sôi sau mỗi lần ăn sữa của bé. Điều này có thể giúp làm sạch nhưng cũng đồng thời gây giảm tuổi thọ của bình, làm mủn, biến dạng bình nếu nhiệt độ nước quá cao, gây ra chuyển hoá các chất có hại từ thành phần bình … Bởi vậy, mẹ chỉ nên tiệt trùng bằng nước sôi 1 lần trong ngày và nhiệt độ sôi vừa phải. Ngoài ra mẹ có thể sử dụng các phương pháp khác hoặc dùng máy tiệt trùng để giữ vệ sinh cho bình sữa của bé hàng ngày.

Những lưu ý khi sử dụng bình sữa cho bé

Ngoài những lưu ý trong cách vệ sinh bình sữa nêu trên, Momo Rabbit còn mách mẹ thêm những lưu ý nhỏ khi sử dụng bình sữa cho bé. Mẹ nên thay núm ti của bình sau 3 tháng sử dụng, và thay bình sau mỗi 6 tháng để đảm bảo sự an toàn cho bé. Luôn lựa chọn loại bình, loại núm, cỡ bình và núm phù hợp với khả năng và nhu cầu của bé. Mẹ hãy tham khảo dụng cụ vệ sinh, nước rửa bình phù hợp với bé, tốt nhất là sử dụng các loại nước rửa bình có thành phần tự nhiên, không chứa chất hoá học. Lưu ý nhiệt độ của nước trong ngưỡng cho phép của từng loại bình và phù hợp với loại sữa mẹ sử dụng cho bé.

Momo Rabbit mẹ và bé luôn mạnh khoẻ với những mẹo chăm con khoa học nhé! 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy