Momo Rabbit

Táo bón ở trẻ sơ sinh có đáng sợ như mẹ vẫn nghĩ? 

01 tháng 06 2021
Nguyen Hong Diep

Táo bón rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Táo bón không gây nguy hiểm cho bé nhưng khiến bé khó chịu, biếng ăn, sinh hoạt không thoải mái, lâu dần dẫn đến những chứng bệnh về tâm lý do đau đớn gây ra. Để biết triệu chứng và cách khắc phục của chứng táo bón ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cùng tìm hiểu với Momo Rabbit nhé. 

Những nguyên nhân thường thấy của bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh

táo bón ở trẻ sơ sinh

Táo bón là bệnh thường gặp, gây khó chịu, đau đớn cho bé

Các mẹ đều đã biết táo bón là tên gọi của tình trạng chậm đi nặng, đi nặng khó khăn, phân rắn, gây đau đớn. Thông thường, các bé uống sữa công thức sẽ dễ bị táo bón hơn các bé bú mẹ hoàn toàn. Tần suất đi nặng của bé uống sữa công thức là 1 lần/ngày trong khi các bé bú mẹ sẽ đi nặng khoảng 2-3 lần/ngày. 

Tuy nhiên, tần suất đi nặng chưa phải yếu tố nói lên việc bé có táo bón hay không vì có bé 3 ngày mới đi nặng nhưng phân vẫn mềm, đi nặng dễ dàng. Trong khi đó, nhiều bé đi nặng thường xuyên hơn nhưng phân cứng, bé phải rặn khó khăn hơn thì đó lại là táo bón. 

Tìm hiểu nguyên nhân của bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh bố mẹ có thể nắm một vài “thủ phạm” chính bao gồm tình trạng mất nước, thành phần sữa, chế độ dinh dưỡng của mẹ và các chứng bệnh lý. 

 

táo bón ở trẻ sơ sinh

Thiếu hụt nước, thừa chất ... là những nguyên nhân phổ biến của táo bón ở trẻ sơ sinh

Mất nước hay thiếu hụt nước là do bé không được bú đủ lượng sữa theo nhu cầu của cơ thể, trong khi với các bé dưới 6 tháng, sữa mẹ không chỉ là nguồn bổ sung dinh dưỡng mà còn là nguồn cung cấp nước cho cơ thể. Một nguyên nhân khác liên quan đến sữa mẹ là vấn đề dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày của người mẹ. Việc mẹ ăn những đồ cay nóng, khó tiêu, ít chất xơ, quá nhiều đạm, thiếu dinh dưỡng cùng lịch sinh hoạt ngủ nghỉ không hợp lý khiến ảnh hưởng đến chất lượng sữa nạp vào cơ thể bé, gây ra bệnh táo bón cho trẻ sơ sinh.

Nếu loại trừ được các nguyên nhân đó thì các bé uống sữa mẹ hoàn toàn thường rất hiếm khi bị táo bón bởi thành phần sữa mẹ rất dễ tiêu hoá, có sự cân bằng hoàn hảo giữa chất đạm, chất béo. Sữa công thức tuy được thiết kế với cấu trúc gần giống sữa mẹ nhất nhưng vẫn có những thành phần gây khó tiêu và là nguyên nhân khiến cho các bé uống sữa công thức dễ táo bón hơn. Bên cạnh đó việc pha sữa không đúng công thức cũng là nguyên nhân khiến tình trạng táo bón càng trở nên nặng hơn. 

Cuối cùng phải kể đến các nguyên nhân bệnh lý bẩm sinh như các chứng phình đại tràng, suy giáp… Các bệnh lý này phải được khám chữa cẩn thận tại các bệnh viện, trung tâm y tế lớn. 

Dấu hiệu nhận biết táo bón ở trẻ sơ sinh

táo bón ở trẻ sơ sinh

Táo bón khiến bé khó chịu, bỏ ăn, khó khăn khi đi nặng

Kể cả khi các bé đã biết nói thì cũng thật khó để bé tự nhận biết được mình táo bón hay không để thông báo cho bố mẹ. Do đó, là người chăm sóc bé, bố mẹ cần hết sức chú ý đến những dấu hiệu bất thường của bé hàng ngày để sớm phát hiện và có các giải pháp khắc phục bệnh táo bón cho bé. 

Nếu bố mẹ thấy tần suất đi nặng của bé đột ngột ít hơn, xa hơn so với bình thường, đó có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé bị táo bón. Thông thường tần suất đi nặng là 2-3 lần/ngày với bé bú mẹ và 1 lần/ngày với các bé uống sữa công thức. Đặc biệt với các bé mới sinh dưới 1 tháng, không đi nặng trong 1-2 ngày bố mẹ cần nghĩ ngay đến táo bón để khắc phục sớm. 

Bé bị táo bón khi đi nặng phân sẽ rất cứng, vón cục chứ không mềm, xốp như thông thường. Phân của bé bị táo bón thường có dạng nhỏ hình viên màu đen, xám, khô, hoàn toàn không có độ ẩm. Nếu trong phân bé có dính máu, đó là do phân quá cứng, lớn gây tổn thương hậu môn của bé khi đi nặng. 

Các bé sơ sinh thường rất nhạy cảm với các vấn đề của cơ thể. Khi bị táo bón bé sẽ quấy khóc, lười ăn, bỏ ăn và có các biểu hiện nhăn nhó, khó chịu. Thức ăn được nạp vào cơ thể khi này sẽ không thể hấp thu cũng như đào thải khiến bé đầy bụng, mệt mỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày của bé. Ngoài ra biểu hiện vật lý mẹ có thể kiểm tra khi bé bị táo bón là bụng phình to, sờ thấy cứng. Biểu hiện này chứng tỏ bé đang bị đầy bụng, khó tiêu. 

Cách khắc phục táo bón 

táo bón ở trẻ sơ sinh

Sữa mẹ giúp giảm táo bón ở trẻ sơ sinh, nhưng mẹ cần nhớ điều chỉnh bữa ăn, sinh hoạt phù hợp

Táo bón nhẹ thường chỉ khiến bé khó chịu, mệt mỏi, nhưng khi nặng, lâu ngày sẽ khiến bé đau đớn khi đi nặng, tích tụ chất thải trong người gây nguy cơ nhiễm độc đường ruột, nguy cơ phình đại tràng, tắc ruột nặng hơn nữa sẽ khiến bé bị tâm lý sợ hãi mỗi khi đi nặng do đau, khiến tình trạng táo bón càng nặng hơn. 

Khi bé bị táo bón, Momo Rabbit khuyên mẹ nên áp dụng các phương pháp cơ bản ở nhà như:

Thay đổi thói quen ăn uống, khẩu phần ăn của mẹ nếu mẹ đang cho bé bú hoàn toàn. Ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, giảm chất béo khó tiêu đồng thời điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt, ngủ nghỉ. Bổ sung nước cho bé bằng cách cho bé bú nhiều cữ hơn, tránh tình trạng thiếu nước. Các bé lớn hơn mẹ có thể bổ sung thêm nước lọc, nước quả pha loãng, nước luộc rau củ. 

Nếu bé uống sữa công thức bị táo bón, mẹ nên tìm hiểu các thành phần sữa và thử đổi các loại sữa khác cho đến khi tìm được loại phù hợp với khả năng tiêu hoá của bé. Mẹ cũng nên massage nhẹ vùng bụng quanh rốn cho bé hàng ngày. Ấn và xoa nhẹ nhiều vòng trên vùng bụng bé giúp kích thích nhu động ruột, tăng co bóp, qua đó cũng giúp bé dễ đi nặng hơn. 

Trong các trường hợp nặng có kèm theo các biểu hiện bất thường như nôn ói, sốt, đi nặng ra máu, bụng chướng to, sụt cân … mẹ cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.

Momo Rabbit chúc mẹ và bé vượt táo bón thành công nhé! 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy