Momo Rabbit

Tuần lễ khủng hoảng Wonder week có đáng sợ như ba mẹ nghĩ? 

28 tháng 11 2020
Nguyen Hong Diep

Tuần khủng hoảng hay Wonder Week (WW) ở trẻ vốn được coi là “cơn ác mộng” với nhiều ông bố bà mẹ. Momo Rabbit cùng mẹ khám phá những thay đổi kỳ diệu của con trong giai đoạn đặc biệt này và cách để cùng con vượt khủng hoảng an toàn nha mẹ! 

Tuần khủng hoảng Wonder Week là gì?

Hiểu khái niệm tuần khủng hoảng để cùng bé vượt qua

Tuần khủng hoảng là một khái niệm được đưa ra bởi 2 vợ chồng nhà khoa học người Hà Lan Frans Plooij và Hetty van de Rijt trong cuốn sách nổi tiếng “The Wonder Week” được các ông bố bà mẹ trên toàn thế giới tìm đọc.

Bằng việc quan sát và  ghi nhận các dấu hiệu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các nhà khoa học đã khám phá ra bí mật phía sau những giai đoạn lặp đi lặp lại của chứng quấy nhiễu, đeo bám, bỏ ăn, bỏ ngủ của các bé. Những giai đoạn bất thường trước đây khiến các bố các mẹ mất ăn mất ngủ nay đã được biết đến với tên gọi Tuần khủng hoảng. 

Trong những giai đoạn cố định, các bé sẽ học được những kĩ năng mới, phát triển các giác quan, có khả năng nhận biết thế giới tốt hơn điển hình như tập lẫy, tập ngồi, tập bò … Những điều này rất tốt cho bé nhưng lại khiến bé bị xao nhãng, mệt mỏi, cần sự hỗ trợ, gần gũi của bố mẹ hay người chăm sóc nhiều hơn. Các chuyên gia tóm gọn WW bằng 3 chữ C: Crankiness (Bực bội, gắt gỏng), Clingy (bám người thường xuyên chăm sóc), Crying (khóc quấy). Các biểu hiện này sẽ xuất hiện đột ngột khi bước vào tuần khủng hoảng và sẽ tự động biến mất khi bé hoàn thiện được kỹ năng mới của mình. 

Thấu hiểu được điều đó, bố mẹ thay vì quá lo lắng sẽ có các biện pháp hỗ trợ bé giúp quá trình học hỏi, tiếp nhận các kĩ năng mới diễn ra tốt hơn.

Những biểu hiện của bé khi bước vào tuần khủng hoảng

Khóc, quấy, bỏ ăn, khó ngủ, bé bị sao nhỉ?

Bé trong giai đoạn 0 - 2 tuổi thông thường sẽ trải qua 10 tuần khủng hoảng khác nhau. Các dấu hiệu khi bước vào tuần khủng hoảng có thể khác nhau ở từng bé nhưng phần lớn sẽ có những biểu hiện chung như đột ngột quấy khóc, bám dính bố mẹ, dễ cáu giận, biếng ăn, khó ngủ, ngủ không sâu giấc … 

Trong giai đoạn này bé có thể rất nhõng nhẽo, luôn đòi hỏi bố mẹ hoặc người chăm sóc phải chơi với mình như để để gây chú ý đến người lớn. Bé cũng có thể tỏ ra ngại tiếp xúc với người lạ, không thích ra ngoài. Việc ăn uống trong giai đoạn này của bé cũng khiến nhiều bố mẹ lo âu bởi bé có thể bỏ bữa, khóc lóc khi bị ép ăn, đòi ti mẹ liên tục ... 

Mẹ cần làm gì trong giai đoạn ẩm ương này?

Kiên nhẫn và yêu bé nhiều hơn nữa mẹ nhé

Điều quan trọng nhất để cùng bé vượt qua những tuần lễ “trái gió trở trời” này là mẹ phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn. Dù chuyện gì xảy ra thì rồi cũng sẽ qua thôi, và mọi thứ sẽ trở lại êm đẹp như trước, bé sẽ lại ngoan ngoãn, ngủ ngon giấc, ăn đủ bữa … cho tới lần khủng hoảng tiếp theo. 

Giai đoạn này mẹ cũng cố gắng gần gũi và thể hiện sự yêu thương nhiều hơn nữa dành cho bé. Luôn động viên và khích lệ khi bé cố làm một việc gì đó như tập lẫy, tập ngồi, tập trườn, bò … Bằng cách này mối dây tình cảm mẹ và bé sẽ càng bền chặt hơn, bé sẽ tin tưởng vào mẹ hơn. Thay vì cố đẩy bé ra vì nghĩ bé sẽ quấn người lớn mẹ nên dành cho bé nhiều cái ôm hơn, nhiều nụ hôn hơn, để bé luôn cảm thấy an toàn và vui vẻ nhé.

Tuần lễ khủng hoảng sẽ khiến nhiều bé bỏ ăn, chán ăn, nên mẹ cũng đừng quá âu lo mà ép bé ăn, hoặc tìm cách cho bé ăn vào những giờ không đúng với lịch sinh hoạt trước đây. Mẹ chỉ cần tiếp tục tuân thủ lịch trình sinh hoạt đã đặt ra và nới lỏng hơn một chút cho bé. Nếu bé không muốn ăn mẹ hãy tôn trọng quyết định của bé, rồi sau tuần khủng hoảng bé sẽ lại ăn ngoan ngay thôi.

Nếu mẹ thấy bé có dấu hiệu lặp lại những thói quen cũ khi còn bé, điều đó không có gì đáng lo cả, chỉ vì bé đang tìm cách gây chú ý tới mẹ, tìm lại cảm giác được yêu thương vỗ về mà trí nhớ non nớt của bé có thể ghi nhận thôi. 

Tiếng khóc và sự mè nheo của bé có thể khiến mẹ rất mệt mỏi, nên đây cũng là lúc mẹ cần tìm sự hỗ trợ từ bố hoặc những người lớn khác trong gia đình. Mẹ cần giải thích trước với mọi người về sự khủng hoảng của bé và thống nhất cách xử lý để mọi người giúp đỡ mẹ chăm bé nhé.

Cuối cùng, sau mỗi tuần lễ khủng hoảng bé sẽ học được kỹ năng mới, nếu bé được đồng hành cùng mẹ trong giai đoạn này, bé sẽ có sự tự tin để tiếp tục đón nhận những điều mới mẻ. 

Chúc mẹ và bé vượt qua tuần khủng hoảng thật dễ dàng nhé!




 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy